Là nhà khoa học nên các hoạt động thanh niên tình nguyện mà Bí thư đoàn Trường ĐHQG Hà Nội Trương Ngọc Kiểm khởi xướng cũng rất thiết thực, như xây dựng mô hình xử lý rác thải cho các địa phương ở Hà Nội, xây dựng hệ thống nước tưới tiêu cho bà con nông dân…

Nhà khoa học mê hoạt động đoàn

Sự thân thiện, cởi mở cùng vẻ ngoài lịch lãm tạo cho TS Trương Ngọc Kiểm sức cuốn hút tự nhiên, sự gần gũi thường thấy ở các thủ lĩnh đoàn thanh niên. Ở vị tiến sĩ trẻ này, sự năng nổ, xông xáo của một cán bộ đoàn đã hội tụ với nhiệt huyết của một người trẻ tuổi và sức sáng tạo, tư duy thực tế của một nhà khoa học.

TS Trương Ngọc Kiểm gắn bó với công tác đoàn từ khi còn là sinh viên khoa Sinh, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Những thành tích xuất sắc trong học tập và công tác đoàn giúp Trương Ngọc Kiểm được ban lãnh đạo nhà trường giữ lại sau khi nhận tấm bằng cử nhân loại giỏi.

TS Trương Ngọc Kiểm đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì dành cho các thế hệ cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên của ĐHQGHN trong 20 năm qua. Ảnh chụp tháng 3/2016. Ảnh: NVCC
TS Trương Ngọc Kiểm đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì dành cho các thế hệ cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên của ĐHQGHN trong 20 năm qua. Ảnh chụp tháng 3/2016. Ảnh: NVCC

Những hoạt động phong trào mà vị bí thư đoàn trường này triển khai cho thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội luôn mang tính thiết thực cao như phong trào thi đua nghiên cứu khoa học trong sinh viên, liên kết với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tạo các mô hình “sàn giao dịch ý tưởng”, tìm kiếm, hỗ trợ việc làm cho sinh viên.

Các chương trình thanh niên tình nguyện mà TS Trương Ngọc Kiểm tổ chức trong khối ĐHQG Hà Nội cũng luôn hướng đến việc tạo ra các lợi ích thực tế cho cộng đồng: Dựng mô hình xử lý rác thải cho các địa phương ở Hà Nội, hệ thống nước tưới - tiêu cho bà con nông dân, hiến máu tình nguyện, chương trình từ thiện “Đông ấm cho em” hướng tới trẻ em miền núi Tây Bắc…

“Với tôi, việc gắn bó với công tác đoàn xuất phát từ sở thích ngay từ thời đi học. Hoạt động đoàn giúp tôi có thêm trải nghiệm thực tế và học hỏi được nhiều điều” - TS Trương Ngọc Kiểm tâm sự.

Nhận xét về phong cách lãnh đạo phong trào của của vị bí thư đoàn trường này, ông Nguyễn Hải Anh - cán bộ Phòng tổ chức ĐHQG Hà Nội - cho biết, TS Kiểm luôn gắn việc thúc đẩy phòng trào đoàn - hội gắn với nghiên cứu khoa học trong giới sinh viên và cán bộ ĐHQG Hà Nội.

Canh cánh về biến đổi khí hậu

Quan tâm tới lĩnh vực biến đổi khí hậu và những tác động lớn của nó đối với thời tiết, khí hậu và hệ sinh thái và cả kinh tế Việt Nam, TS Trương Ngọc Kiểm đã lựa chọn hướng nghiên cứu của mình vào chủ đề này. Đề tài đầu tiên TS Kiểm bắt tay thử sức trong lĩnh vực biến đổi khí hậu là “Nghiên cứu sự thay đổi một số nhân tố sinh thái chủ đạo theo các đai độ cao ở dãy Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai) phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học (thực vật bậc cao có mạch) và phát triển du lịch sinh thái”.

Đây cũng chính là luận án tiến sỹ mà Trương Ngọc Kiểm dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để thực hiện. Đề tài này cũng là công trình nghiên cứu tổng thể, toàn diện đầu tiên về các nhân tố sinh thái ở toàn bộ khu vực dãy Hoàng Liên Sơn (tỉnh Lào Cai), cung cấp dẫn liệu đầy đủ, cập nhật nhất từ trước đến nay về đa dạng thực vật bậc cao có mặt ở khu vực dãy Hoàng Liên Sơn - một trong những trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam với 3.252 loài, 1.126 chi, 230 họ thuộc 6 ngành thực vật bậc cao có mạch.

Giải thích về lý do chọn đề tài trên, TS Trương Ngọc Kiểm chia sẻ: “Thông thường khi nói về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, người ta sẽ quan tâm tới các vùng đất liền gần biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng băng tan hoặc nước biển dâng.

Tuy nhiên, có một vùng tương đối nhạy cảm nữa mà mọi người ít để ý đến, đó là khu vực vùng cao, vùng núi. Ở điều kiện bình thường, nhiệt độ vùng núi sẽ giữ ở mức ổn định sẵn có; thế nhưng khi hiệu ứng biến đổi khí hậu xảy ra, nhiệt độ tại những khu vực đó tăng cao đột biến, các giống loài thực vật ở đây sẽ không thể hoặc khó thích nghi ngay với điều kiện môi trường sống mới. Điều này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống và sản xuất của bà con miền núi”.

Với quan điểm của người làm khoa học, TS Trương Ngọc Kiểm cho rằng việc phát triển phong phú hệ sinh thái đa dạng ở các tỉnh vùng núi trong điều kiện biến đổi khí hậu không chỉ giúp cho bà con khu vực dãy Hoàng Liên Sơn, Sa Pa, Mù Cang Chải… có thêm thu nhập từ việc sản xuất những giống cây quý như atiso, thảo quả, dược liệu… mà quan trọng hơn là giúp cho các địa phương này phát triển du lịch một cách bền vững.

Tâm huyết với điều này, Trương Ngọc Kiểm không coi việc lấy bằng tiến sỹ là mục đích chính của nghiên cứu. Sau khi bảo vệ thành công luận án vào tháng 3/2015, ông lập tức bắt tay vào kế hoạch ứng dụng kết quả đề tài khoa học của mình vào thực tiễn. Nghiên cứu đó đang được đưa vào thực nghiệm tại một số địa phương và những kết quả thu được bước đầu rất đáng khích lệ.


Nhu cầu lớn nhất là nghiên cứu

TS Trương Ngọc Kiểm chia sẻ, khối lượng cũng như áp lực lớn của công việc không hề làm ông cảm thấy mệt mỏi, bởi: “Làm khoa học phải xuất phát từ nhu cầu học tập và rèn luyện kỹ năng của bản thân. Nếu như có thể vận dụng những kiến thức khoa học để làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn thì tự khắc chúng ta sẽ có thêm động lực để tìm tòi, nghiên cứu”.

Quan điểm đó cũng từng được TS Kiểm bày tỏ trong cuộc đối thoại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc tháng 12/2015. Lúc đó, với tư cách trưởng đoàn đại biểu Đoàn Thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội, Trương Ngọc Kiểm đã nêu mong muốn các nhà quản lý, các cấp chính quyền tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất cho các nhà khoa học - đặc biệt là những người trẻ - có thể yên tâm phục vụ, gắn bó dài lâu với ngành.

Là người trong cuộc, ông nhận định đại đa số các nhà khoa học trẻ hiện nay - dù ở trong hay ngoài nước - luôn mong muốn được cống hiến những gì tốt nhất có thể cho nền khoa học nước nhà.

“Các nhà khoa học trẻ ngày nay không đòi hỏi quá nhiều về vật chất, song họ rất muốn một môi trường học thuật, nghiên cứu chất lượng cao. Cụ thể, họ mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, được phát triển chuyên môn từ nghiên cứu, được có thu nhập chính đáng từ nghiên cứu, được ghi nhận từ nghiên cứu. Nếu như Nhà nước mình có thể tạo được môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ, tôi tin các bạn ấy sẽ có những đóng góp đáng kể để ngành khoa học Việt Nam ngày càng có nhiều thành tựu lớn hơn” - TS Trương Ngọc Kiểm nói.

Chia sẻ về những điều bản thân và các cộng sự đang thực hiện, Trương Ngọc Kiểm cho biết, trong năm 2016 nhóm của ông sẽ đưa vào ứng dụng một số loại cây mới thích hợp để bà con các địa phương vùng Hoàng Liên Sơn gieo trồng sản xuất.

Cùng chắp cánh cho mong muốn này, TS Kiểm cho biết, Đoàn Thanh niên khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội cũng sẽ kết hợp với chính quyền một số tỉnh để phát triển đa dạng hơn hệ sinh thái miền núi, phát hiện thêm nhiều giống cây quý để phục vụ cho công tác nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ở những địa phương thuộc vùng Hoàng Liên Sơn.

TS Trương Ngọc Kiểm sinh năm 1983, quê Bắc Ninh, là Bí thư Đoàn Thanh niên Trường ĐHQG Hà Nội. TS Kiểm từng được nhận nhiều bằng khen của Trung ương Đoàn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội. Ông có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ; có nhiều bài báo và tham luận tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế.